Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Những cách làm đẹp nguy hiểm trong lịch sử (Phần 2)

Bài viết này dựa trên bài “The Most Dangerous Beauty Through the Ages” của Cheryl Wischhover, New York Magazine, ngày 17 tháng 12 năm 2013.

Những phương pháp làm đẹp như trộn chì hay thủy ngân vào mỹ phẩm thì khá quen thuộc rồi, nhưng bài viết của nàng Cheryl này còn có những thông tin kỳ lạ hơn, ví dụ như trộn chất phóng xạ vào kem dưỡng da, hay dùng kim khâu đâm vào mắt để nối lông mi. Mình thấy thú vị nên post mọi người xem chơi. Ngoài bản gốc, mình bổ sung một số thông tin và hình ảnh để bài viết rõ hơn ^^
Phần 1: Mỹ phẩm chứa chì, thạch tín, thuốc nhỏ mắt từ cây cà dược, chất phóng xạ trong mọi thứ (link)
Phần 2: Mỹ phẩm chứa thủy ngân, triệt lông bằng X quang, dưỡng tóc bằng mỡ heo, dùng kim khâu dâm vào mắt để nối mi, và cảnh báo về mỹ phẩm hiện đại.
------------------------------

Mỹ phẩm chứa thủy ngân
Gần đây báo chí quan tâm nhiều đến thủy ngân, khi mà nó được tìm thấy trong mỹ phẩm hiện đại. Trước khi benzoyl peroxide được sử dụng, thủy ngân chính là chất dùng để trị mụn (và chữa bệnh giang mai nữa, có câu nói “A night with Venus, a lifetime with Mercury”, tạm dịch “một đêm cùng vệ nữ, một đời dùng thủy ngân”). Thủy ngân dễ dàng được hấp thụ qua da và có thể gây ra mang thai dị tật bẩm sinh, vấn đề thận và gan, mệt mỏi, khó chịu, run, trầm cảm, hương vị kim loại trong miệng. À, với lại nó gây ra chết người nữa.

Vận động chống mỹ phẩm chứa thủy ngân ở Manila, 2012

(ĐGLĐ: Thủy ngân thường được dùng trong kem làm trắng da, khi thoa lên da thì ngấm vào mạch máu. Phụ nữ châu Á hay dùng kem trắng da nên cũng hay bị ngộ độc thủy ngân. Gần đây, hồi đầu tháng 10/2013, 140 nước đã ký hiệp ước Minamata do Liên Hợp Quốc chủ trì, để cấm mỹ phẩm chứa thủy ngân. Trong 140 nước đó có cả Việt Nam, yay! Nhưng vấn đề là mascara không nằm trong danh mục cấm thủy ngân. Thủy ngân trong mascara là cần thiết để bảo quản và ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn có hại cho mắt; mấy hãng mascara nào không dùng thủy ngân thì cũng dùng formaldehyde hoặc parabens, nói chung giá nào cũng độc hại huhu)

Triệt lông bằng X quang
Các nhà khoa học khám phá ra X quang vào đầu thế kỷ 20 và ứng dụng vào việc triệt lông (ĐGLĐ: theo mình biết thì X quang đã được tìm ra năm 1895). Theo một báo cáo, thời gian một người phơi da dưới X quang có thể lên đến 20 tiếng. Tất nhiên là lông sẽ rụng hết, nhưng mà da cũng bị dày sừng, hoặc teo lại, hoặc lở loét, và sau một thời gian thì “nạn nhân” bị ung thư luôn. Trong một thời gian dài, X quang được xem là phương pháp hoàn hảo cho dịch vụ thẩm mỹ triệt lông. Sau rất nhiều những tác dụng phụ tồi tệ và những vụ kiện tụng, cuối cùng người ta cũng nhận ra X quang không dùng để triệt lông.

(ĐGLĐ: Ban đầu mình không tin là X quang đã từng cực kỳ phổ biến, nhưng tìm hiểu 1 chút thì ra hàng tá mẩu quảng cáo đảm bảo rằng đây là phương pháp an toàn – hiện đại – khoa học.
Quảng cáo máy triệt lông X quang

Các thẩm mỹ viện cũng tiến hành việc này khá cẩn thận, mỗi lần chiếu X quang kéo dài dưới 5 phút, nhưng phải làm nhiều lần. Lúc đầu “nạn nhân” rất hài lòng với kết quả. Nhưng sau 1 thời gian thì mới thấy hậu quả; thời gian phát bệnh trung bình là khoảng 21 năm.)
Sau vài chục năm, những người từng tẩy lông bằng X quang sẽ ra như vầy.
Cô góc trái dưới cùng  chiếu X quang 15 lần, cô góc phải dưới cùng 100 lần

Mỡ heo làm gel vuốt tóc
Vào cuối những năm 1700, thời trang tóc đã đạt đến đỉnh cao. Theo đúng nghĩa đen luôn :))) Để có được mái tóc cao nhất có thể, phụ nữ thường sử dụng khung gỗ và sắt, tấm lót da đính lông ngựa, và rất nhiều tóc nối. Sau đó, mái tóc được cuộn tròn với "kẹp nóng", vuốt phủ mỡ heo để cố định, ​​và rải bột chì lên. Sau nhiều công đoạn phiền phức như vậy tất nhiên bạn không sẽ gội đầu trong một thời gian. Tóc bị chí và sâu bọ, đòi hỏi phải có "cây gãi." Nhiều phụ nữ lúc đi ngủ còn phải đội lồng lên đầu để chặn chuột vào gặm nhắm tóc.


Nối mi
Trích đoạn giới thiệu trên báo năm 1899: “Một cây kim khâu nhỏ như bình thường được xỏ bằng sợi tóc dài, thường là chúng tôi sẽ dùng chính tóc của khách hàng. Mi mắt được làm sạch thật kỹ càng và tẩm dung dịch cocaine để giảm đau. Người thợ khéo léo đâm kim vào phần bìa mi mắt để khâu sợi tóc vào mi theo độ dài mong muốn.” Chắc là cả những tín đồ làm đẹp cuồng nhiệt nhất như nhà Kardashian cũng không muốn tham gia vụ này.


(ĐGLĐ: Đoạn trên chỉ là 1 phần trong bài báo thôi, mình tìm ra được tờ báo đó (The Dundee Courier, số ngày 6 tháng 7 năm 1999) nên bổ sung phần sau cho đủ nè:  
“Sau một lớp thì nhiều lớp sau cũng cần được khâu vào mắt, nhưng lúc này tác dụng của cocaine bắt đầu tan, nên thợ thẩm mỹ phải hoãn lại buổi sau.
Bước cuối là cắt và tỉa lại lông mi, kết quả là bạn có một làn mi tuyệt vời, dày và dài.  Tuy nhiên “lông mi” thường chỉa thẳng ra (vì đó là tóc!) nên trông mi mắt có vẻ kỳ lạ. Lúc này, bước nhấn nhá cuối cùng để hoàn thiện và làm mi trông giống thật nhất. Người thợ dùng kẹp uốn, làm từ bạc, và to chỉ cỡ cây kim để uốn mi, đây là điều cần thiết để đem đến vẻ đẹp hoàn hảo. Mắt được băng bó cẩn thận và giữ nguyên như vậy cho đến hôm sau.
Hầu hết các sợi lông mi đã được cấy để bén rễ và phát triển như lông bình thường, nhưng một số có thể rụng và cần được dặm lại. Trong tháng đầu tiên, khách hàng phải uốn mi mỗi ngày, nhưng sau đó lông mi sẽ có nếp và không cần uốn nữa.
Lông mày cũng được thêu theo cách tương tự , nhưng không đau đớn nhiều như lông mi.”)

------------------------------
Cảnh báo về làm đẹp thời nay: Như các bạn cũng thấy rồi đó, đến tận bây giờ, mỹ phẩm (ví dụ như mascara) vẫn chứa nhiều thành phần độc hại. Thậm chí công nghệ tẩy lông laser cũng được quảng cáo y hệt như công nghệ X quang: an toàn và hiện đại. Liệu vài chục năm nữa chúng ta có phát hiện ra những biến chứng kinh hoàng không? Thay đổi những nét tự nhiên của bản thân chưa bao giờ là vô hại cả. Hy vọng các bạn sẽ tỉnh táo khi sử dụng mỹ phẩm và công nghệ làm đẹp. Đừng lệ thuộc vào chúng quá nhiều vì không ai biết được những gì được xem là an toàn hiện nay có thật sự an toàn không :(

1 nhận xét:

  1. Muốn làm đẹp mà cũng nhiều nguy hiểm quá, không biết chọn cách nào. Mình cũng sắp đi thẩm mỹ phẫu thuật cắt mí mắt, không biết có an toàn không đây?

    Trả lờiXóa